Lượt xem: 446

Nông dân Sóc Trăng hưởng lợi khi giá gạo trong nước tăng cao

Tình hình xuất khẩu gạo của nước ta từ đầu năm đến nay khá thuận lợi khi có sự tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị. Đặc biệt, lệnh cấm xuất gạo ở một số nước đã giúp  giá gạo Việt Nam liên tục tăng cao, nông dân trồng lúa theo đó cũng được hưởng lợi khi giá thu mua biến động khá cao so với nhiều năm trở lại đây. Tại Sóc Trăng, tình hình lạc quan của ngành hàng lúa gạo đã mang đến tâm thế phấn khởi cho bà con nông dân. Niềm vui được mùa, trúng giá đã lan tỏa trên những cánh đồng lúa Hè Thu đang và sắp bước vào giai đoạn thu hoạch.

 


Nông dân vui mừng khi trà lúa Hè Thu trúng mùa, được giá.

 

    Thông thường, giá lúa ở vụ Hè Thu chỉ đạt mức cao nhất khoảng 5.700 đồng/kg; nên ở vụ Hè Thu năm nay, khi được thương lái đặt cọc với giá thu mua là 6.900 đồng/kg, nông dân Ong Kim Khiều ở xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị đã nhận cọc không chút do dự. Tuy nhiên, điều ông và nhiều nông dân khác không nghĩ đến là giá lúa thay đổi từng ngày theo đà tăng liên tục, hiện đã dao động ở mức gần 8.000 đồng/kg (tùy theo giống lúa). Mặc dù có chút tiếc nuối khi giá nhận cọc chênh lệch so với giá lúa hiện tại của thị trường, nhưng ông Khiều vẫn rất phấn khởi khi lợi nhuận mỗi công trồng lúa cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Ông Khiều vui mừng cho biết: “Tôi trồng lúa mấy chục năm nay rồi, nhưng chưa có năm nào mà giá lúa cao như năm nay và giá tăng lên mỗi ngày. Mặc dù chênh lệch, nhưng tôi đã nhận cọc rồi thì phải giữ chữ tín, tại mình làm ăn lâu dài mà. Năm nay năng suất ruộng tôi 1 công tầm cấy khoảng gần 800kg, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 3 triệu đồng”.

    Hiện nay, giá các loại lúa thường dao động từ 7.400 đồng đến 7.600 đồng/kg, lúa chất lượng cao từ 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg; giá lúa các loại cao hơn từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg so với vụ Hè Thu năm 2022, chưa bao giờ việc canh tác lúa lại thuận lợi như hiện nay; giá cả ở mức có lợi cho người trồng, đầu ra được đảm bảo và đặc biệt, giá vật tư nông nghiệp hiện cũng đã được kiểm soát tốt. Sản xuất lúa hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã giúp người nông dân vững tin trong sản xuất. Tại nhiều cánh đồng, các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến đang được nông dân thực hành tốt, cơ giới hóa đồng ruộng cũng được áp dụng đồng bộ trong tất cả các khâu.

    Nông dân Huỳnh Hữu Lộc ở ấp Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành cho biết thêm: “Vụ Hè Thu năm nay khá thuận lợi vì dịch hại tương đối ít, sâu bệnh cũng không nhiều. Hiện nông dân ở đây cũng thăm đồng thường xuyên, quan sát kỹ những dịch bệnh phát sinh để sử dụng thuốc đặc trị cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến năng suất lúa”.

    Năm nay, diện tích xuống giống vụ Hè Thu của tỉnh Sóc Trăng đạt 140.775 ha, hiện có khoảng 40.000 ha đã thu hoạch. Năng suất bình quân mỗi ha đạt gần 6 tấn, cao hơn khoảng 0,2 tấn so với vụ Hè Thu năm trước. Năng suất ổn định, giá lúa đang tiếp tục tăng cao là một tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu, đặc biệt là tình hình mưa bão thường xuất hiện tập trung vào cao điểm thu hoạch rộ vụ Hè Thu, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần tích cực chăm sóc để đảm bảo an toàn về năng suất và chất lượng của phần diện tích còn lại trên đồng.

    Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Đối với trà lúa chuẩn bị bón phân đón đòng, chúng ta cần bón cân đối phân NPK, tăng cường thêm phân Kali và Canxi Silic để giúp cây lúa cứng cáp. Hiện tại thời tiết đang nắng, ở những vùng bơm nước ra được, chúng ta cần khẩn trương bơm nước ra khỏi ruộng để đất nứt chân chim, giúp bộ rễ lúa ăn sâu, hạn chế đổ ngã. Về phía ngành, chúng tôi cũng sẽ cập nhật thường xuyên thông tin về diễn biến thời tiết, thủy văn, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con nông dân có sự chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra”.

    Theo Cục Xuất nhập khẩu (thuộc Bộ Công thương), tính đến cuối tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo trị giá gần 2,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 19% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo đến cuối năm, nước ta sẽ xuất khẩu thêm từ 2,7 đến 3,2 triệu tấn gạo. Gạo Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu rộng, bà con nông dân sẽ là người hưởng lợi trực tiếp, nhưng không phải về sản lượng mà còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng.Vì vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng vẫn đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng hạt lúa, hình thành sản phẩm gạo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường kết nối tiêu thụ với nhiều công ty, doanh nghiệm nhằm tăng năng lực cạnh tranh đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 898
  • Trong tuần: 70,231
  • Tất cả: 11,864,258